Gợi nhớ vị quê hương với cách làm bánh khúc truyền thống

0
516
Advertisement

Bánh khúc từ lâu trở thành đặc sản nổi tiếng của Hà Nội, nó ăn sâu vào tiềm thức người dân Thủ đô. Bánh khúc là sự kết hợp giữa xôi nếp thơm, vỏ bánh dẻo với mùi hương đặc trưng của lá khúc hòa quyện cùng vị bở của đậu xanh, vị cay nồng của tiêu và vị béo của thịt. Chính hương vị dân dã của bánh khúc khiến người con xa xứ nhớ đến quê hương. Với hướng dẫn cách làm bánh khúc truyền thống dưới đây dù ở xa quê bạn vẫn sẽ thực hiện thành công món ăn này. 

Nguyên liệu làm bánh khúc truyền thống

Như đã nói ở trên, bánh khúc là sự kết hợp giữa gạo nếp, bột nếp, đậu xanh, thịt, lá khúc. Từ những nguyên liệu này, bằng sự thể hiện khéo léo bạn sẽ tự tay nhào nặn và thực hiện thành công món bánh khúc chuẩn hương vị Hà Nội.

  • Lá khúc: 200g;
  • Bột gạo nếp: 200g;
  • Bột gạo tẻ: 50g;
  • Đậu xanh cà vỏ: 100g;
  • Thịt lợn xay: 100g;
  • Gạo nếp: 300g;
  • Gia vị: tiêu, dầu ăn, muối, hạt nêm;

Hướng dẫn thực hiện

Cách làm bánh khúc truyền thống không quá khó nhưng muốn có được hương vị chuẩn như người Hà Nội bạn phải thực hiện khéo léo, tỉ mỉ theo từng bước. Và dưới đây là hướng dẫn chi tiết:

Chuẩn bị và sơ chế các nguyên liệu

Lá khúc rửa sạch, thái nhỏ hoặc xay nhuyễn rồi đun với 200ml nước. Nếu không đun nóng sôi trên bếp bạn có thể xay nhuyễn với nước ấm khoảng 70 độ để quá trình nhào bột được hiệu quả hơn. Thêm một ít muối vào hỗn hợp nước lá cúc để giúp bột đậm đà hơn.

Xay nhuyễn lá khúc để nhào cùng bột nếp

Xay nhuyễn lá khúc để nhào cùng bột nếp

Lưu ý với lá khúc xay nhuyễn bạn sử dụng cả phần nước và phần xác, không cần lọc nước. Có như vậy, hương vị của bánh khúc sẽ ngon và đúng với công thức truyền thống của người Bắc.

Đậu xanh vo sạch, ngâm cho nở khoảng 1h đồng hồ, gạo nếp ngâm qua đêm sau đó vớt ra để ráo và thêm một ít muối. Hành tím thái nhỏ, thịt ba chỉ thái lát mỏng để làm nhân bánh.

Advertisement

Nhào bột bánh khúc

Cho từ từ phần nước lá khúc vào 200g bột gạo nếp + 50g bột gạo tẻ để bột không quá dẻo, ăn sẽ ngon hơn. Nếu thích vị dẻo thuần bạn chỉ cần hòa gạo nếp với nước lá khúc, không cần thêm gạo tẻ.

Cho từ từ nước cốt lá khúc vào bột nếp

Cho từ từ nước cốt lá khúc vào bột nếp

Vừa cho nước lá khúc vừa nhào bột thật đều tay. Bột nhào đạt là khi không dính tay, viên tròn có độ bóng, không bị chảy. Sau đó bạn dùng màng bọc thực phẩm phủ kín miệng tô và ủ bột bánh khúc khoảng 30 phút.

Làm nhân bánh

Đậu xanh cho vào nồi, đổ xâm xấp nước và đun cho đến khi nổi bọt trên bề mặt rồi hạ lửa nhỏ cho đến khi đậu mềm, nhừ thì thêm ít muối, trộn đều. Có thể chế vào một muỗng canh dầu ăn để đậu xanh quánh hơn.

Tiếp đến bạn cho thịt lợn xay vào xào cùng với nhân đậu xanh. Nêm vào hỗn hợp nhân ½ muỗng cafe muối, ½ muỗng cafe bột nêm, tiêu rồi trộn đều.

Nếu sử dụng bánh khúc trong thời gian ngắn bạn có thể cho thêm một ít hành tím vào xào cùng để nhân có vị thơm hơn. Ngược lại sử dụng trong thời gian dài thì không nên cho hành tím khi xào nhân vì như vậy dễ bị thiu, nhanh hư hỏng. Chú ý nêm nếm gia vị nhân vừa ăn, không quá mặn.

Hoàn thiện phần bánh khúc

Sau khi nhân đã chín, bột ủ đủ thời gian bạn đã có sẵn sàng nhân và lớp vỏ để làm bánh khúc. Bạn lấy bột lá khúc viên thành hình tròn và làm công đoạn này tương tự với nhân. Lưu ý hình tròn nhân bánh nên nhỏ hơn so với phần vỏ để nhân bánh không bị lộ ra ngoài khi gói trong vỏ bánh.

Khéo léo vo tròn để phần vỏ bánh phủ kín nhân bên trong

Khéo léo vo tròn để phần vỏ bánh phủ kín nhân bên trong

Dùng tay ấn dẹp phần vỏ bánh lá khúc, đặt nhân vào giữa và khéo léo bọc vỏ bánh ngoài nhân. Thực hiện tương tự cho đến khi hết bột và nhân rồi lăn qua gạo nếp sao cho phần gạo bám đều ngoài vỏ bánh là chuyển sang bước hấp bánh.

Hấp bánh khúc

Chuẩn bị nồi hấp, bạn rải một lớp gạo nếp trên xửng hấp rồi đặt các viên bánh khúc vào nồi. Chú ý các viên bánh nên cách nhau và cách thành nồi 1cm. Sau đó rải gạo nếp lên trên bánh và hấp ở lửa lớn trong thời gian 40 phút.

Cho bánh vào nồi và hấp ở lửa lớn khoảng 40 phút

Cho bánh vào nồi và hấp ở lửa lớn khoảng 40 phút

Bạn cũng có thể lót một lớp lá chuối/lá dong dưới xửng hấp rồi cho gạo nếp lên trên để hấp giúp bánh ngon hơn. Đồng thời dùng khăn phủ miệng nồi hấp để hơi nước không rớt vào gạo nếp, bánh không bị nhão.

Trang trí và thưởng thức

Lấy bánh khúc ra đĩa, cho một ít hành phi hoặc mè rang lên trên bánh và thưởng thức. Bánh khúc sau khi chín hạt nếp bao ngoài nở trương, mềm dẻo. Lớp vỏ bánh khúc mềm nhưng không quá dẻo vì có bột gạo tẻ, nhân bánh có vị béo của thịt, bở của đậu xanh và mùi thơm của tiêu. Các nguyên liệu hòa quyện với nhau thưởng thức vô cùng hấp dẫn.

Vỏ bánh khúc dẻo với nhân có vị béo của thịt, bở của đậu xanh và thơm của hạt tiêu

Vỏ bánh khúc dẻo với nhân có vị béo của thịt, bở của đậu xanh và thơm của hạt tiêu

Có thể thấy cách làm bánh khúc truyền thống không quá khó. Tuy nhiên nguyên liệu khó tìm nhất trong món bánh này chính là lá khúc. Vì thế nhiều người thường thay lá khúc bằng lá cải bó xôi, rau ngót, lá dứa. Mỗi loại sẽ cho hương vị riêng, nhưng nhìn chung đều ăn rất ngon, đậm đà hương vị người dân Bắc Bộ. Chúc các bạn thành công với món bánh lá khúc này.